Trường Đại học Giáo dục: tiếp tục phát huy điểm mạnh của mô hình thực tập sư phạm và rèn nghề kết nối lí luận và thực tiễn cho sinh viên sư phạm

20/06/2023

Chiều 20/6, Trường Đại học Giáo dục tổ chức Hội nghị Thực tập sư phạm và Rèn nghề cho sinh viên năm học 2022-2023. Hội nghị có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng; PGS. TS. Phạm Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các phòng chức năng; lãnh đạo Khoa Sư phạm, Bộ môn Lý luận phát triển nghề nghiệp và năng lực ngoại ngữ chuyên môn và các giảng viên phụ trách đoàn TTSP&RN tại trường phổ thông.

Khoa Sư phạm Trường Đại học Giáo dục là đơn vị đầu mối tổ chức triển khai Thực tập sư phạm và Rèn nghề (TTSP&RN) cho sinh viên sư phạm.

Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: "Thực tập sư phạm và rèn nghề là một học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của Trường Đại học Giáo dục. Việc rèn luyện các kỹ năng sư phạm, kỹ năng chuyên biệt, đặc thù của giáo viên sẽ được sinh viên vận dụng và thực hành trong môi trường giáo dục". Do đó, lãnh đạo Khoa, các giảng viên và cán bộ phòng ban liên quan khi xây dựng và triển khai chương trình cần đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của việc nhúng sinh viên vào các hoạt động tổ chức, quản lý hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục, trải nghiệm, hướng nghiệp việc làm sau Đại học và một số hoạt động thực hành khác tại các trường thực hành sư phạm. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần được hướng dẫn và rèn luyện tác phong, thái độ và đảm bảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên". Hiệu trưởng đề nghị:

Đối với công tác tổ chức đoàn TTSP&RN, Khoa Sư phạm phối hợp với các Khoa, các Phòng chức năng thống nhất ban hành văn bản về việc tổ chức TTSP&RN cho sinh viên vào đầu mỗi năm học; Điều chỉnh thời gian triển khai TTSP&RN nhằm tạo điều kiện linh hoạt hơn cho sinh viên; Tiếp tục mở rộng hệ thống các đơn vị đối tác trong hoạt động TTSP&RN sao cho phù hợp với quy mô đào tạo và cơ cấu chuyên ngành đào tạo; Linh hoạt trong công tác phối hợp và tổ chức hoạt động với các trường tiếp nhận sinh viên.

Đối với công tác đánh giá hiệu quả công việc theo KPI, Khoa Sư phạm và các Bộ môn cần điều chỉnh, xây dựng và mô tả cụ thể hoá các yêu cầu KPI nội dung công việc phù hợp với đặc trưng của từng ngành học, từng trường sinh viên tham gia TTSP&RN; Nghiên cứu các học phần có tính chất thực hành để tích hợp KPI với chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Đối với việc đánh giá kết quả, Khoa và các phòng chức năng đề xuất chính sách khuyến khích sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học trong quá trình sinh viên TTSP&RN; thực hiện nghiêm việc rà soát và quét chống đạo văn; xây dựng hệ thống quản lí kế hoạch cá nhân.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần xây dựng quy định, văn bản, chính sách liên quan đến: Quy tắc đạo đức, ứng xử trong quá trình sinh viên TTSP&RN tại các trường; chế độ cho giảng viên phụ trách đoàn, chế độ cho giảng viên kiêm nhiệm của các trường có sinh viên TTSP&RN; rà soát các sinh viên thuộc trường hợp đặc biệt khi tham gia TTSP&RN.

PGS.TS. Nguyễn Chí Thành Chủ nhiệm Khoa Sư phạm

PGS.TS. Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm cho biết thêm, TTSP&RN là một trong những đặc thù cơ bản trong các trường có đào tạo giáo viên. Trong quá trình triển khai đào tạo sinh viên liên quan đến các học phần TTSP&RN, Nhà trường và Khoa Sư phạm liên tục có những điều chỉnh và thay đổi để các học phần TTSP&RN để chương trình ngày càng hoàn thiện. PGS.TS. Nguyễn Chí Thành cũng bày tỏ lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu, các phòng chức năng và các giảng viên đã rất quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện trong các hoạt động TTSP&RN cho sinh viên.

Tại đây, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm PGS.TS. Nguyễn Chí Thành cũng đã đề xuất một số vấn đề liên quan như: phối hợp triển khai đào tạo các học phần thực hành giữa các đơn vị; hướng dẫn triển khai trong việc mời giáo viên các trường cùng tham gia quản lý sinh viên; cụ thể hoá và công nghệ hoá các vấn đề liên quan đến KPI; đa dạng hoá các hoạt động rèn nghề.

Các đại biểu tham dự cũng đóng góp nhiều nội dung, đề xuất có ý nghĩa quan trọng; thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bất cập còn tồn tại và đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp; tiếp tục hoàn thiện quy trình, tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng trong các hoạt động TTSP&RN cho sinh viên.

PGS.TS. Trương Thị Bích - Trưởng bộ môn Lí luận phát triển nghề nghiệp & Năng lực ngoại ngữ chuyên môn

TS. Phạm Thị Thu Hiền - Trưởng bộ môn Ngữ văn và Khoa học Xã hội

TS. Hoàng Thu Hà - Hiệu trưởng trường THPT Khoa học Giáo dục (HES) cũng chỉ ra một số vấn đề sinh viên cần khắc phục như: nề nếp, trang phục, thời gian. Ngoài ra, TS. Hoàng Thu Hà cũng khẳng định sự ủng hộ và nỗ lực phối hợp của HES với Khoa Sư phạm trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên khi tham gia TTSP&RN tại đơn vị.

Trước đó, các đại biểu đã lắng nghe TS. Vũ Phương Liên - Phó Trưởng bộ môn Lí luận phát triển nghề nghiệp & Năng lực ngoại ngữ chuyên môn trình bày báo cáo đánh giá giá kết quả TTSP&RN của Khoa Sư phạm. Kết quả báo cáo cho thấy, hầu hết sinh viên khóa QH-2020-S và QH-2021-S, QH-2019-S đã thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định về TTSP&RN; thể hiện ý thức trách nhiệm, chủ động, có tinh thần tích cực với các công việc được giao, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do trường phổ thông tổ chức.

Bên cạnh các hoạt động TTSP&RN tại các trường, sinh viên được tham gia: (1) Chuỗi các hoạt động rèn nghề thông qua Hội thi Tự hào sinh viên sư phạm (PROUD TO Be A FoPer) diễn ra trong vòng 1 tháng từ 15/10/2022 đến 15/11/2022. Nội dung của Hội thi gồm: phần thi dạy học, viết và sử dụng bảng, tài năng sư phạm; (2) đợt trải nghiệm thực địa giáo dục tại Miền Trung cho sinh viên dưới sự điều phối của Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Bộ môn Ngữ văn & Khoa học Xã hội.

TS. Vũ Phương Liên báo cáo tổng kết công tác TTSP&RN năm học 2022-2023

Năm học 2022-2023, học phần TTSP&RN đã được triển khai dưới hình thức tập trung với 2 đợt tập trung vào các nhiệm vụ KTSP (đợt 1, diễn ra chủ yếu vào kì 1 của năm học) và TTSP (đợt 2 diễn ra chủ yếu vào kì 2). Như vậy 1 sinh viên sư phạm sẽ thực hiện học phần TTSP&RN trong 6 kì học (bắt đầu từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 4) với 4 kì tại trường phổ thông và 2 kì tại Trường Đại học Giáo dục.

Chương trình và nội dung TTSP&RN được đổi mới theo hướng KPI chỉ số hoá sản phẩm, hiệu quả và hiệu suất công việc thực hiện trải dài từ học kỳ 3 đến học kỳ 8.

Sinh viên tham gia các hoạt động TTSP&RN tại 20 trường và được phiên chế thành 24 đoàn thuộc các bậc học từ Tiểu học, THCS, THPT trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tổng số sinh viên tham gia hoạt động TTSP&RN là 1.385 sinh viên thuộc 9 chuyên ngành: SP Toán học, SP Vật lý, SP Hoá học, SP Sinh học, SP Khoa học Tự nhiên, SP Ngữ văn, SP Lịch sử, SP Lịch sử - Địa lý, Giáo dục Tiểu học.

Năm học 2022-2023, Trường Đại học Giáo dục tiếp tục triển khai TTSP&RN theo mô hình thực hành sư phạm mới nhấn mạnh sự "đan xen - kết hợp" trong các học phần đại cương, chuyên ngành khoa học cơ bản và khoa học giáo dục (lí luận) và học phần nghiệp vụ sư phạm, TTSP và rèn nghề tại trường phổ thông (thực tiễn) trong khoảng thời gian kéo dài 3 năm (kể từ năm học thứ 2 đến năm học thứ 4 của khoá học).

Cũng trong năm học này, Trường Đại học Giáo dục tiếp tục nỗ lực mở rộng mạng lưới các trường vệ tinh lên đến 20 trường. Từ đó mở rộng cơ hội thực hành nghề nghiệp cho sinh viên thông qua việc đa dạng môi trường TTSP&RN thuộc hệ thống các trường: công lập, công lập chất lượng cao, trường chuyên, ngoài công lập (tư thục và quốc tế).

UEd Media

Bài viết khác

Xem thêm