Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN đồng hành cùng dự án PHER

23/07/2023

Ngày 21/7/2023, Toạ đàm mùa hè 2023 của Mạng lưới học thuật Việt Nam - Quốc tế (VIANs) đã được tổ chức tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc. Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN là đơn vị nòng cốt trong VIANs giáo dục được ĐHQGHN giao nhiệm vụ tổ chức Toạ đàm.

Về phía Trường ĐH Giáo dục có Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh; Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Lê Thái Hưng; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, lãnh đạo các khoa và giảng viên.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng là ba Đại học của Việt Nam tham gia Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (Partnership for higher education reform - PHER) do Đại học Indiana, Mỹ thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục

Phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh đánh giá cao ý nghĩa của các hoạt động thuộc dự án hợp tác giáo dục đại học do USAID tài trợ.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết, dựa trên quan điểm tiếp cận về giáo dục (rộng hơn vấn đề sư phạm). Trường ĐH Giáo dục đã triển khai mô hình đào tạo giáo viên theo mô hình (a+b) dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Trên quan điểm tiếp cận đó, Trường triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau về giáo dục; Trường đã và đang trở thành cơ sở giáo dục đại học tiên phong trên cả nước trong lĩnh vực công nghệ giáo dục; Và trở thành cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên, các nhà quản lý giáo dục hàng đầu trong cả nước có đóng góp tích cực trong hoạt động tham vấn chính sách giáo dục cho các Bộ, ngành, địa phương; Trường có mạng lưới hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật với các chuyên gia, các trường đại học uy tín trên thế giới.

Với thế mạnh đó, Hiệu trưởng tin tưởng Toạ đàm sẽ khai thác được những mặt tích cực nhất của công nghệ giáo dục trong đó con người đóng vai trò chủ động khi tiếp cận công nghệ. Hiệu trưởng cũng kỳ vọng, trong tương lai những hội thảo, toạ đàm, seminer về đổi mới giáo dục sẽ được tiếp tục mở rộng với các vấn đề chuyên sâu về khoa học giáo dục.

Phó Giám đốc dự án TS. Nguyễn Mai Phương

Đại diện dự án PHER, Phó Giám đốc dự án TS. Nguyễn Mai Phương cho biết, trong khuôn khổ của dự án PHER mà USAID tài trợ, có 7 VIANs thuộc các lĩnh vực khác nhau như: giáo dục, nhân học, kinh tế, y tế, chính sách, vật liệu tiên tiến, công nghệ thông tin. Đại học Quốc gia Hà Nội (trong đó có vai trò của Trường ĐH Giáo dục) cùng với Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã trở thành những đơn vị chủ chốt giữ vai trò quan trọng trong sự thành công của VIANs giáo dục.

Bà Phương cũng nhận định, Ban tổ chức đã rất nhanh nhạy trong việc lựa chọn chủ đề: "Trường học trong bối cảnh thay đổi" và "Các vấn đề trong Giáo dục đại học" gắn liền với chuyển đổi số trong giáo dục đang rất được quan tâm hiện nay. Toạ đàm mùa hè 2023 của Mạng lưới học thuật Việt Nam - Quốc tế được tổ chức trở thành sự kiện diễn ra lần thứ 2 trong 2 năm liên tiếp và hy vọng sẽ trở thành thông lệ trong các năm tiếp theo. Toạ đàm mở ra cơ hội để các chuyên gia trong nước và các chuyên gia đến từ các trường đại học lớn trên thế giới có thể trao đổi và hợp tác trong các nghiên cứu - TS. Nguyễn Mai Phương kỳ vọng.

TS. Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin

Tại phiên toàn thể, TS. Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cùng chia sẻ và cùng trao đổi thảo luận với các đại biểu một vấn đề được cho là rất "nóng" hiện nay: "Chính sách của ngành Giáo dục" và "Đào tạo về ứng dụng các công nghê giáo dục mới".

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chính sách, văn bản quản lý liên quan đến chuyển đổi số và đầu tư hệ thống máy tính, mạng, thiết bị, các cổng thông tin, phần mềm quản lý, kho học liệu số, thư viện điện tử...trong các cơ sở giáo dục đại học. Điều này đã tạo ra những chuyển biến tốt về nhận thức, số lượng cơ sở giáo dục quan tâm đến triển khai chuyển đổi số gia tăng, cách thức thực hiện ngày càng bài bản, có hệ thống.

Tuy nhiên còn nhiều trở ngại để chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra đạt kỳ vọng khi hoạt động truyền thông nội bộ và chuyển đổi số chưa gắn với chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục; việc triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình, đảm bảo an toàn thông tin và quy chế vận hành chưa được chú trọng... Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh đến những khó khăn về nguồn lực: kinh phí đầu tư, kinh phí duy trì và vận hành hệ thống chuyển đổi số lớn; nhân lực triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số cần được xây dựng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu công nghệ số thay đổi nhanh và ngày càng hiện đại; năng lực số của cán bộ, giảng viên và sinh viên còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các cá nhân và đơn vị.

Từ thực trạng đó, TS. Tô Hồng Nam cũng gợi ý một số định hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đại học dựa trên các tiếp cận trên quan điểm của người dạy, người học, gia đình, cơ sở giáo dục, cộng đồng; dựa trên việc đề xuất các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Cùng ngày, toạ đàm đã diễn ra 2 phiên thảo luận song song với 16 báo cáo đến từ các diễn giả/các nhà nghiên cứu giáo dục. Các đại biểu tham dự đã cùng nhau phân tích và làm rõ các nội dung quan trọng xoay quanh chủ đề: "Trường học trong bối cảnh thay đổi" và "Đào tạo về ứng dụng các công nghê giáo dục mới". Một số vấn đề được các diễn giả đề cập và báo cáo như: Sự sẵn sàng đối diện với thách thức của nhà quản lý; phát triển chương trình đào tạo giáo viên trong bối cảnh công nghệ; quản trị sự thay đổi trong trường phổ thông; đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo trực tuyến; ứng dụng mô hình dạy học kết hợp; vai trò của giáo viên trong bối cảnh sư phạm và đột phá công nghệ; đảm bảo chất lượng; trách nhiệm giải trình; chính sách học phí; tự chủ đại học; ứng dụng AI vào hỗ trợ dạy học cho sinh viên; Hỗ trợ sinh viên học tập trong môi trường công nghệ kỹ thuật số.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục PGS.TS. Lê Thái Hưng

Bế mạc Hội thảo, thay mặt Trường Đại học Giáo dục Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Lê Thái Hưng trân trọng cảm ơn các học giả, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng đã đồng hành cùng Trường Đại học Giáo dục đã tham dự với tinh thần cởi mở, kết nối và hỗ trợ; Cảm ơn tổ chức USAID trong đó có dự án PHER đã tài trợ cho Toạ đàm mùa hè 2023 của Mạng lưới học thuật Việt Nam - Quốc tế (VIANs) do Trường Đại học Giáo dục tổ chức.

Nhân dịp này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục PGS.TS. Lê Thái Hưng cũng gửi lời mời tham dự đến các chuyên gia, các đại biểu về "Diễn đàn Hà Nội lần thứ ba về khoa học giáo dục và sư phạm" sẽ được Trường tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2023. Diễn đàn nhằm mục tiêu xây dựng một không gian trao đổi nghiên cứu, phân tích, đề xuất chính sách và thực hành giáo dục. Từ đó, chủ động tạo ra cơ hội thay đổi và chuyển biến tích cực cho giáo dục Việt Nam và xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Toạ đàm mùa hè của Mạng lưới nghiên cứu giáo dục PHER được tổ chức đã trở thành diễn đàn học thuật uy tín để các lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục, các học giả, các chuyên gia nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước cùng chia sẻ quan điểm, bàn thảo và tìm kiểm giải pháp cho các vấn đề trọng yếu của giáo dục đại học Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Toạ đàm:

UEd Media

Bài viết khác

Xem thêm